Gần 1 giờ sáng ngày 22-7, chúng tôi nhận được điện thoại của cô Nguyễn Thị Kim Anh (37 tuổi), ngụ Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cho biết, sau mấy tiếng đồng hồ chở rau củ quả, thực phẩm ủng hộ cho y bác sĩ chống dịch ở Sài Gòn nhưng cô chỉ đi được vài chục cây số.

Nguyên nhân là do chốt kiểm soát ở cầu Vàm Cống, Đồng Tháp yêu cầu cô test nhanh COVID-19 nhưng khi cô Kim Anh xuống xe thì chốt này thông báo đã hết que test và buộc cô quay xe trở lại Cần Thơ. Trước việc hàng hóa tươi sống có thể hư hỏng nếu quay về, cô Kim Anh phải quay xe lại đi hướng Thốt Nốt và cũng gặp tình cảnh tương tự: Hết que thử và buộc quay lại.
Đáng nói là liên tiếp hai ngày 18 và 19-7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành công văn hướng dẫn xây dựng luồng xanh ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, cụ thể là vận chuyển thực phẩm, rau củ quả; con cá, cọng rau phục vụ người dân trong vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tổng cục đề nghị UBND và Sở GTVT các tỉnh, thành phố tạo điều kiện ưu tiên tối đa để các phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thông suốt 24/24h đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa mau hỏng như nông sản, thủy sản tươi sống, hàng đông lạnh; các loại hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng theo Chỉ thị 16…. Đặc biệt, ngày 18-7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng đã thống nhất lưu thông hàng hóa trong 19 tỉnh thực hiện chỉ thị 16 không cần giấy xét nghiệm âm tính.
Trước đó, từ người quen, cô Kim Anh biết được Bệnh viện Bình Dân đang tăng cường hàng trăm y bác sĩ cho Bệnh viện Dã chiến số 8 ở TPHCM.
Cảm thông những vất vả, hy sinh mà lực lượng y bác sĩ đang căng mình trong vùng dịch, Kim Anh quyết định bỏ tiền túi một mình rảo tới các nhà vườn ở Cần Thơ để thu gom. Đó là 3 tạ gạo; 4 ngàn trứng vịt; thùng ếch, cá đông lạnh; mướp, đậu bắp, bạc hà… thậm chí là thuốc giảm đau, hạ sốt; nước muối sinh lý và cả chục thùng nước rửa chén, nước lau sàn…
Sau đó, cô xin giấy xác nhận vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống dịch tại Bệnh viện Bình Dân nhưng bất ngờ xảy ra, không một lái xe nào đồng ý chở hàng lúc nửa đêm. Không còn lựa chọn vì sợ hàng hóa hư hỏng, cô Kim Anh tự chất hàng lên xe tải nhỏ, một mình lên xe, tự lái trực chỉ TP.HCM.
Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với người tốt, Kim Anh vừa chạy xe vừa gọi điện thoại bất cứ ai quen biết để nhờ giúp đỡ và khi đến chốt kiểm soát ở cầu Cần Thơ, sau khi xem giấy của Bệnh viện Bình Dân họ đã cho qua.
Kim Anh tâm sự lúc đó, một mình chạy xe trong đêm, cô rất mừng vì số hàng hóa của mình bỏ tiền thu gom sẽ không hư hỏng và sẽ sớm đến với các y bác sĩ. Kim Anh cho biết, thông thường từ Vĩnh Thạnh lên Sài Gòn, cô lái xe chỉ mất khoảng gần 4 tiếng nhưng chuyến xe đầy nghĩa tình của cô rạng sáng nay phải mất khoảng 10 giờ đồng hồ. Gần 5 giờ sáng, cô mới đến được Bệnh viện Bình Dân và nhờ nơi đây tiếp nhận chuyển cho Bệnh viện Dã chiến số 8 TPHCM.
Giao xong hàng, mừng quên cả mệt mỏi, Kim Anh quay xe trở lại Cần Thơ vào trưa nay.
Theo Kim Anh, tổng trị giá chuyến hàng của cô chỉ vài chục triệu đồng, rất nhỏ so với những hy sinh thầm lặng của y bác sĩ và dù rất mạnh mẽ, một mình chạy xe trong đêm hàng trăm cây số nhưng Kim Anh liên tục gọi điện thoại nói ‘Chuyện nhỏ mà, lên báo em ngại lắm”…
PHƯƠNG NAM